Theo các đại biểu, bên cạnh những dấu hiệu phục hồi tích cực, nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như: Xung đột giữa Nga và Ukraine; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn...
Một trong những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là phát triển bền vững trong một môi trường biến đổi, rất năng động và khó dự đoán. Việc kinh tế Việt Nam đi theo kịch bản nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy vậy, một điều chắc chắn, năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm “bản lề” để tạo ra những chuyển biến thực chất trong tận dụng các động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn 2021-2025.
Để thúc đẩy tăng trưởng các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế, cải cách cơ chế làm sao để khối doanh nghiệp tư nhân hấp thụ được nhanh nhất, tốt nhất nguồn vốn hỗ trợ. Mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững như kinh tế số bằng cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kỹ năng lao động gắn với số hóa, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời cần cơ chế tạo động lực - áp lực cho doanh nghiệp thực hiện FTA, tiếp tục tháo gỡ các nút thắt của môi trường đầu tư, kinh doanh liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng…
Thực hiện: Tiến Dũng – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.