Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và đại biểu tại 63 điểm cầu địa phương tham dự hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, hoạt động hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp ở cộng đồng dân cư, hình thành từ rất sớm như một truyền thống văn hóa trong đời sống của người Việt. Việc hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Vì thế, hòa giải ở cơ sở là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2019, cả nước có gần 100.000 tổ hòa giải được thành lập tại cơ sở với hơn 600.000 hòa giải viên. Qua 6 năm, từ năm 2014 đến năm 2019 thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, cả nước hòa giải gần 900.000 vụ việc, trong đó hòa giải thành công khoảng 708.000 vụ chiếm tỷ lệ 80,6%. Điều này, đã mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, tăng cường hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái trên các địa bàn dân cư.
Tại hội nghị, một số ý kiến cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác hòa giải ở cơ sở như: một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở không còn phù hợp, chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa đều, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; công tác hòa giải cơ sở chưa gắn kết với công tác dân vận./.
Thực hiện: Duy Hưng – Minh Quân
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.