Nâng cao hiệu quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước
Thực tế cho thấy, Báo cáo kiểm toán chỉ có giá trị khi kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc và kịp thời, qua đó góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Theo số liệu thống kê, rà soát của KTNN, phần lớn các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã được các đơn vị nỗ lực, nghiêm túc thực hiện (bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán) và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo đối với số kiến nghị còn lại mỗi năm với tỷ lệ khoảng 15-20%.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, còn không ít những kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhiều kiến nghị kiểm toán đã bị “treo” trong thời gian dài.
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán trong thời gian tới, cần sự nỗ lực của KTNN cũng như sự vào cuộc trách nhiệm từ chính các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị được kiểm toán; sự quan tâm, giám sát của cơ quan dân cử.
KTNN cũng đang nghiên cứu, rà soát lại, hoàn thiện quy định pháp lý về KTNN để đảm bảo cho hoạt động KTNN hiệu lực và hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, trên cơ sở Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, KTNN cũng đã ban hành một số văn bản quy định liên quan và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Pháp lệnh này trong thời gian tới; nhằm nâng cao chất lượng, tính hiệu lực trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.