Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đang thể hiện sự mất cân bằng rõ rệt với 111,5 bé trai được sinh ra so với 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” hoặc “bình thường” dao động khoảng 105-106 bé trai so với 100 bé gái. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, sự mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam hiện cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp diễn như hiện nay, theo dự đoán, đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ, đồng nghĩa với việc từ 2,3-4,3 triệu đàn ông có nguy cơ "ế vợ". Trước đó, nhiều chuyên gia dân số từng cảnh báo những nam giới được sinh sau năm 2000 sẽ có nguy cơ khó lấy vợ.
Một trong những giải pháp hữu hiệu, theo các chuyên gia, là nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ, đảm bảo mọi cơ hội cho trẻ em gái khi các em lớn lên và trưởng thành. Như vậy mới có thể đẩy lùi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo các chuyên gia, tình trạng mất cân bằng giới tính dân số tại Việt Nam trong tương lai là không thể tránh khỏi, kể cả trong trường hợp tỷ số giới tính khi sinh khôi phục trở lại mức bình thường trong 15 năm tới. Điều đó càng đặt ra cho Việt Nam mốc thời gian để tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội để đảm bảo quyền và vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến sự cân bằng giới tính dân số trong tương lai.
Thực hiện: Anh Vũ – Chí Phương – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.