Ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ
Cuối năm là thời điểm nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao, kéo theo đó là nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trà trộn vào thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trước tình hình đó, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn, tạo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý hơn 9.000 vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ, xử phạt hành chính và thu nộp ngân sách gần 4 triệu USD. Trong đó, điển hình là vụ kiểm tra và phát hiện hàng chục kilôgam lê có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu lê Hàn Quốc do lực lượng QLTT Hà Nội thực hiện vào cuối tháng 9 vừa qua. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, các đối tượng thiết kế tem mác ngày càng tinh vi, giống với nhãn mác lê Hàn để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Trên thực tế hiện nay, nhiều nhãn hiệu có tên tuổi bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã để đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, để bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp cần phải triển khai đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ với cơ quan chức năng.
Bên cạnh việc xử lý mạnh tay của cơ quan chức năng, rất cần sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của chính doanh nghiệp trong việc nhận diện các mặt hàng bị làm giả cũng như công tác giám định hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần thường xuyên kết hợp, tổ chức các đợt tuyên truyền về phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, để giúp nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng./.
Thực hiện: Hải Linh – Sỹ Thành.