Ngặn chặn tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống Ngân hàng
Góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật, các tổ chức tín dụng phát triển an toàn. Quan tâm đến việc xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra không phải là hạn chế, mà cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống này. Đây là vấn đề rất khó khăn, những quy định trong Điều 55, Điều 127 trong Dự thảo chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.
Nhấn mạnh, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn.
Bên cạnh đó, có ý kiến băn khoăn về quy định giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng so với luật hiện hành của một khách hàng. Theo đó, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của khách hàng và tổng mức cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan xuống còn 10%, 15% vốn tự có.
Về thẩm quyền cho vay đặc biệt, các đại biểu đề nghị quyết định tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt phải khoanh nợ vay, đến khi nào thu hồi nợ được, khách hàng sẽ hoàn trả lại. Nếu không quy định rõ sẽ không công bằng với các tổ chức tín dụng hoạt động có hiệu quả. Về tài sản đảm bảo cho vay đặc biệt, đề nghị phải có chính tài sản đảm bảo của khách hàng gửi cho tổ chức tín dụng./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng