Video Tin trong nước

Ngân hàng siết tín dụng bất động sản tác động thế nào đến thị trường?

Ngân hàng nhà nước vừa có công văn yêu cầu các ngân hàng trong hệ thống tăng cường kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng đúng chỉ tiêu được giao, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ cũng như chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là bất động sản.
22:36 - 15/04/2022

Ngoài các doanh nghiệp bất động sản lớn, các ngân hàng cũng tiến hành siết khoản vay đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đây được coi như là động thái nhằm làm lành mạnh thị trường bất động sản, hạn chế tăng trưởng nóng, tránh xảy ra hiện tượng bong bóng ở thời điểm vô cùng nhạy cảm như hiện tại, khi mà dòng tiền đổ vào thị trường ngày càng lớn.

Theo nhân viên chuyên tư vấn cho vay dưới hình thức “gom xây” – một sản phẩm hot của hầu hết các ngân hàng trong hơn một năm trở lại đây, đa số khách hàng của người này đều sử dụng vốn vay mua gom đất, sau đó bán lại trong vòng 1 đến 2 tháng. Thậm chí, có những giai đoạn, một ngày (cắt) nhà đầu tư bất động sản mua, bán vài ba lô đất trong thời gian một ngày, lợi nhuận thu được từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, gấp nhiều lần lãi suất tối thiểu hơn 10%, tối đa lên đến hơn 11%/năm. Toàn bộ những khoản vay này đều được thực hiện đúng quy trình, việc thẩm định, xét duyệt căn cứ bất động sản dùng để thế chấp, giá tính theo mặt bằng chung.

Có một vấn đề là những nhà đầu tư bất động sản chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền, nhà ở riêng lẻ có biên độ dao động về giá rất lớn. Ví dụ như trường hợp này, hầu hết tài sản thế chấp đều ở nằm trên địa bàn xã Bình Yên, huyện Thạch Thất – một trong những địa phương bất động sản phát triển nóng nhất thủ đô. Chuyện gì xảy ra nếu giá đất nhảy múa liên tục, lên cao rồi quay đầu giảm sâu như hồi những năm 2008 đến 2011? 

Việc sử dụng đòn bẩy lúc đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ không chỉ đối với nhà đầu tư mà ngay cả các ngân hàng cũng vậy. Khi mà nợ xấu tăng cao, số lượng khách vay mất khả năng thanh toán tăng, chuyện bong bóng vỡ rất khó tránh khỏi.

Việc siết khoản vay trong lĩnh vực bất động sản từng được ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng trong hệ thống áp dụng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn diễn ra vì lợi nhuận thu được không nhỏ, đặc biệt ở thời điểm các lĩnh vực đầu tư khác thu hẹp do dịch bệnh. Vấn đề siết lại chính sách tín dụng vì thế càng cần thiết ở thời điểm thị trường phát triển rất nóng như hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư chắc chắn phải thu hẹp quy mô nếu chính sách tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản siết chặt hơn nữa, người mua nhà có nhu cầu vay vốn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Hạn chế giải ngân các khoản vay liên quan đến lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản hiện nay là việc làm cần thiết, nhằm hạn chế hiện tượng bong bóng, tránh đổ vỡ. Đây cũng là biện pháp hiệu quả vào khi mà người người, nhà nhà đầu tư bất động sản.

Như Nguyên - Anh Dũng

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.