"Có lẽ rất ít người biết 5.000 người lính đã ngã xuống vào ngày hôm đó, họ không có dịp chứng kiến niềm vui của dân tộc vào lúc niềm hi vọng sống trở nên mãnh liệt nhất" - Đó là bình mở đầu của bộ phim "Ngày cuối cùng của chiến tranh".
Các nhà làm phim đã đi tìm những đứa trẻ được sinh ra trong ngày 30/4/1975. Vào ngày đó, ở Sài Gòn, 11 đứa trẻ ra đời, hầu hết được đặt tên là Hòa Bình, Giải Phóng, Thống Nhất, Chiến Thắng, Trường Sơn… Bắt đầu bằng tâm sự của những đứa trẻ đã sinh ra trong khoảnh khắc vỡ òa trong chiến thắng của cả dân tộc, bộ phim đề cập đến cuộc chiến ở một góc nhìn chiều sâu nội tâm.
Dù chỉ gói gọn trong thời lượng chưa đến 30 phút phim ngắn ngủi, phim tài liệu “Ngày cuối cùng của chiến tranh” đã mang tới không khí của thời khắc lịch sử 30/4/1975, khai thác cảm xúc của những người có mặt ngày hôm đó. Mỗi nhân vật là cảm xúc khác nhau, câu chuyện khác nhau.
Nhân vật trong phim còn có cả những nhân chứng ở phía bên kia. “Ngày cuối cùng của chiến tranh” đã gặp gỡ và phỏng vấn được cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Cao Kỳ. Các nhà làm phim đã mang tới một cái nhìn đa chiều hơn về ngày 30/4 lịch sử.
Phim tài liệu “Ngày cuối cùng của chiến tranh” do nhà biên kịch Đào Thanh Tùng viết kịch bản, NSND Nguyễn Thước đạo diễn. Với lối tư duy bằng hình ảnh, bộ phim có sự phát triển nội tại, không phải là sự minh họa cho một ý tưởng, mang tới sự mới mẻ trong cách thể hiện.
Không chỉ trả lời câu hỏi: Ngày cuối cùng của chiến tranh ra sao? Bộ phim còn cho thấy những trăn trở, băn khoăn của một thế hệ đã dành phần lớn cuộc đời cho chiến tranh, giờ đứng trước ngưỡng cửa hòa bình chưa biết ngày mai sẽ sống ra sao, sẽ xây dựng đất nước thế nào...
Những đau thương, mất mát, chia ly, những trăn trở rất đỗi con người của cả phe thắng trận lẫn phe bại trận, cảm thức về sự hòa hợp dân tộc đã khiến cho bộ phim vượt lên trên khuôn khổ ngắn ngủi của thời lượng và mang nhiều cảm xúc đặc biệt cho người xem./.
Mời quý vị xem các Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.