Được xây dựng năm 1931, với năm gian bằng gạch, lợp ngói, do vị trí kín đáo, lại nằm trong vùng an toàn khu ở ngoại thành Hà Nội nên từ năm 1941-1945, căn nhà của cụ Nguyễn Thị An đã trở thành “địa chỉ đỏ” hoạt động bí mật, nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ cách mạng.
Đây cũng là nơi ở và làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội từ ngày 23 đến 25/8/1945. Tại đây, Bác đã làm việc với các cán bộ cách mạng như đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Với 14 di vật, hiện vật cùng hàng chục tài liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây, ngôi nhà được công nhận là "Nhà lưu niệm Bác Hồ" và mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996. Ngôi nhà cũng vừa được trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia.
Ngoài gian chính đặt trang nghiêm, tôn kính ảnh Bác và bộ sập, trường kỷ Bác dùng khi xưa, ngôi nhà còn có hai phòng hơn 10 m2 dùng trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu quý giá về Hồ Chủ tịch, cán bộ cách mạng qua các thời kỳ, cùng kỷ niệm của gia đình trong những năm tháng lịch sử. Việc nhà lưu niệm được công nhận di tích quốc gia là niềm tự hào của không chỉ gia đình cụ Nguyễn Thị An mà còn đối với nhiều người dân địa phương.
Từ thời điểm lịch sử đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội, đến nay, ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An vẫn lưu giữ vẹn nguyên những kỷ niệm quý báu, những di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh vô giá liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc được công nhận là di tích quốc gia góp phần tri ân công lao to lớn của Bác và tạo cơ hội để các thế hệ sau đến tham quan, tìm hiểu và khám phá quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thêm yêu và tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc.
Anh Vũ – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.