NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: BẢO VỆ BÀN CHÂN TRÁNH BIẾN CHỨNG
Theo thống kế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khoảng 60% người bệnh đái tháo đường loét bàn chân phải cắt cụt chân do nhiễm trùng, hoại tử và tỷ lệ tử vong sau 5 năm bị cắt cụt chân là 50% - 60%. Hiện nay, tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy đã có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng. Biến chứng tổn thương trên bàn chân người bệnh đái tháo đường đưa ra thách thức trong điều trị để bảo vệ bàn chân lành lặn cũng như tính mạng cho người bệnh.
Những yếu tố gây ra biến chứng bàn chân do đái tháo đường gồm biến chứng mạch máu, thần kinh, sai lầm trong chăm sóc vết thương… Nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ khiến người bệnh có thể phải đối mặt với hoại tử mô sâu, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, cắt cụt chân, thậm chí tử vong.
Theo các bác sĩ, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý chăm sóc bàn chân hàng ngày như dùng khăn sạch lau khô chân sau khi tắm, không nên đi chân đất, không được ngâm chân…Đặc biệt khi phát hiện có vết thương, vết loét, nứt da, tê buốt, đau, lạnh chân… người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị phòng biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện thể dục, kiểm soát huyết áp, mỡ máu và tái khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ./.
Thực hiện: Hồng Thúy – Hồng Ngọc – Đức Thành