Cuốn sách như một chuyến tàu ngược thời gian về quá khứ giúp độc giả quay trở lại những năm đầu của thế kỷ 20 để hồi tưởng và khám phá một thời của Hà Nội thông qua góc nhìn văn hóa ẩm thực đầy giản đơn nhưng không kém phần tinh tế, mới lạ.
Bước vào những trang sách của Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời, tựa như ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20, để hồi tưởng, để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc... Bằng sự trải nghiệm cá nhân của một người con sinh ra và lớn lên ở hà nội kết hợp với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu “sống” - là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước, tác giả Vũ Thế Long đã đem tới cho người đọc đi từ trải nghiệm thú vị này tới những cảm xúc “rất đời”.
Chuyện ăn chuyện uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa, chính bởi vậy, để có thể tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới.
“Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời” đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất “đời”, để chúng ta cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động.
Huyền Phương - Đức Thành
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.