Xã Văn Giáo – một trong những xã tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của huyện Tinh Biên, không lúc nào vắng tiếng đều đều khung cửi. Trong ngôi nhà của người Khmer, mọi đồ đạc từ váy, áo, khăn choàng, xà rông, đến những chiếc túi xách nhỏ xinh đều do một tay những người phụ nữ Khmer dệt nên.
Nét đặc biệt trong thổ cẩm của người Khmer là hệ thống họa tiết hoa văn cầu kì, tinh xảo, chứa đựng những giá trị tín ngưỡng, văn hóa lâu đời. Trong quá trình dệt, mọi công đoạn từ dệt sợi, nhuộm, đến bắt bông đều được người Khmer làm thủ công. Thế nên để có một sản phẩm dệt thổ cẩm hoàn chỉnh, người phụ nữ Khmer sẽ phải mất khá nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên không vì thế mà nghề dệt thổ cẩm bị người Khmer lãng quên.
Để tạo thêm thu nhập cho chị em phụ nữ Khmer từ nghề dệt, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo ra đời, vừa tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm dệt của chị em Khmer ở địa phương, vừa tổ chức các lớp dạy để những nghệ nhân lớn tuổi truyền lại nghề dệt cho con cháu nhằm giữ gìn một nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi của dân tộc. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng tìm cách gắn nghề dệt thổ cẩm với du lịch nhằm đem những sản phẩm thủ công tinh xảo này đến được với nhiều người hơn.
Ngày hôm nay, khi đến với vùng đất Tịnh Biên, du khách sẽ được nghe giới thiệu về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây như một nét văn hóa đặc sắc không thể bỏ qua của vùng đất này. Tiếng khung cửi, hàng trăm năm qua, đã được những người Khmer nơi đây gìn giữ và nâng niu như thế.
Nguyên Hạnh - Trọng Đại
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.