“Người thổi sáo” là tên gọi của triển lãm đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Cái tên “Người thổi sáo” bắt nguồn từ một câu chuyện hết sức tình cờ, đó là vào một ngày mùa đông, trong lúc không có cách nào thoát khỏi nỗi phiền muộn cá nhân thì có một người thổi sáo mù đi qua và thổi lên 1 khúc nhạc, âm điệu đó, âm nhạc của cây sáo trúc rất thông thường đó của một người thổi sáo mù đã đọng lại trong nhà thơ và nó đã thay đổi cuộc đời của Nguyễn Quang Thiều.
Bước vào hội họa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quan niệm vẽ không để trở thành họa sĩ chuyên nghiệp mà đơn giản chỉ cho bản thân được sống thêm trong một thế giới riêng khác, sống đam mê trong sáng tạo và sau cùng, làm dài rộng thêm cho cuộc đời để được sống nhiều nhất.
Chỉ coi mình là "người đi ngang qua cánh đồng hội họa" nên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có cách thức sáng tạo hội họa cũng chẳng giống ai. Ông thường vẽ không có phác thảo. Ông đứng trước toan, quết nhát màu đầu tiên lên toan và cứ thế cuốn theo màu sắc ấy.
Trong tranh của Nguyễn Quang Thiều có thơ. Ông đưa thơ ca, văn chương lên tranh và cho rằng chữ nghĩa là một phần sắc màu tranh của ông, cũng là một mảng, một phần của bố cục bức tranh.
Triển lãm “Người thổi sáo” diễn ra từ nay đến hết ngày 15/1 tại Trung tâm Art Space, trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
Tiến Dũng - Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.