Thời gian qua, trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu và những thành ngữ, ca dao bị chế nhạc gây phản cảm. Hình ảnh "chú bé loắt choắt" hồn nhiên, gan dạ, dũng cảm trong thơ Tố Hữu đã trở thành biểu tượng cho sự hy sinh cao cả, thiêng liêng cho nhiều giới trẻ nhưng qua những lời chế lại trở thành sự cợt nhả. Khi những đoạn nhạc như vậy lại trở thành trào lưu của những người còn đang ngồi trên ghế nhà trường, cho thấy sự báo động về tư duy của 1 bộ phận giới trẻ khi cổ xuý cho những hành động thiếu văn hoá.
Đối với những gia đình, mà đặc biệt là gia đình có con nhỏ, những trào lưu đi ngược lại với văn hoá Việt, kiểu xuyên tạc lịch sử khiến họ vô cùng lo lắng bởi những thứ vô nghĩa đó sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tư duy và suy nghĩ non dại của trẻ nhỏ.
Thời đại các nền tảng mạng xã hội phát triển, những công cụ làm nhạc, thu âm cũng dễ dàng được sử dụng. Việc một cá nhân tự tạo ra một bài nhạc và đăng tải lên mạng xã hội trở nên rất dễ dàng mà không cần kiểm duyệt. Chỉ cần làm “lạ” một chút, bắt tai một chút là bài nhạc có thể nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng, đu theo, bất chấp nội dung bài hát, thuần phong mỹ tục. Chính điều này cũng gây nên sự bức xúc trong giới nghệ sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ.
Có những người chế nhạc đôi khi chỉ xuất phát từ ý muốn “vui vui” nảy sinh trong một phút chốc nào đó. Nhưng nhiều người ngay từ đầu đã có chủ đích dùng sự nhảm nhí, "khác người" để tạo sự chú ý, câu view, câu like. Với thành phần này tư tưởng thật sự có vấn đề và cần được lên án.
Đã đến lúc người chơi TikTok nói riêng và người dùng mạng xã hội cần sống "chậm” hơn. Mỗi khi thưởng thức hoặc “đồng sáng tạo” một đoạn nhạc, nên suy nghĩ về nội dung, cái hay cái đẹp và sự tử tế mà nó mang lại cho cộng đồng./.
Thực hiện: Thế Hùng – Quốc Hùng