Video Tin trong nước

Nhiều điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực thiết kế sáng tạo của thủ đô

Hai năm đã trôi qua, những điểm nghẽn về thu hút đầu tư vẫn chưa được khơi thông khiến Hà Nội chưa tạo được nhiều điểm nhấn và lãng phí nguồn lực thiết kế sáng tạo sẵn có.
19:17 - 02/12/2021

Show diễn đẳng cấp thế giới Ký ức Hội An của tập đoàn Gami quy tụ 500 diễn viên diễn trên sân khấu ngoài trời với diện tích 25.000m2, cùng sự hỗ trợ của kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tân tiến bậc nhất… từng được báo chí quốc tế đánh giá là show diễn đẹp nhất thế giới. Nó đã đưa hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước chạm vào hồn cốt văn hóa Hội An và khơi dậy mạch cảm xúc khác biệt về vùng đất di sản này. 

Hay một số chương trình nghệ thuật tạo được nhiều dấu ấn như chương trình Tinh hoa Bắc bộ ở Hà Tây, Tinh hoa Việt Nam và Sắc màu Venice tại Grand World Phú Quốc, À Ố Show ở Hội An…. Đây chỉ là một vài ví dụ về sản phẩm công nghiệp sáng tạo – công nghiệp văn hoá, không những tạo ra dấu ấn đặc biệt của mỗi vùng đất, mà nó còn là lực hút mạnh mẽ về kinh tế. Các dự án này hầu như là của các công ty tư nhân đầu tư, và tạo ra những giá trị lớn cho các địa phương. 

Tuy nhiên, các công trình văn hoá như thế ở Việt Nam không có nhiều. Ngay tại Hà Nội, nơi được công nhận là Thành phố Sáng tạo trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, hầu như chưa có những dự án được đầu tư đúng nghĩa, có sức hút về du lịch, tạo cho thành phố một hình ảnh đúng nghĩa như danh hiệu được ghi nhận.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút sự đầu tư mạnh mẽ hơn của khối tư nhân vào lĩnh vực văn hoá, nơi sẽ tạo ra những sản phẩm trí tuệ sáng tạo có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng lớn? 

Nguồn lực kinh tế yếu khiến cho việc lựa chọn đầu tư cho các công trình và sản phẩm văn hoá khó khăn. Nhưng năng lực sáng tạo, khả năng quản lý hiệu quả của nhà nước mới là những lý do quan trọng nhất khiến cho việc đầu tư vào các công trình văn hoá và sản phẩm văn hoá lâu nay chưa thành công. Trong khi Hà Nội lại đang sở hữu nguồn lực đầu tư dồi dào, cả nguồn vốn lẫn năng lực sáng tạo, kỹ năng vận hành và phát triển của khối kinh tế tư nhân.

Tham vọng của Việt Nam là đến năm 2030, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% vào GDP, tức là vào khoảng 25 tỷ đôla. Để điều này xảy ra, tại Hà Nội, ngành công nghiệp văn hoá phải chiếm tỷ trọng tối thiểu gấp đôi so với trung bình cả nước. Đây là con số tham vọng và rất khó đạt được nếu không có giải pháp huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là trong khối tư nhân, thúc đẩy nhanh tiến trình biến Hà Nội thành một thành phố sáng tạo phồn vinh.

Vũ Đào - Lê Hải

Mời quý vị xem các Tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.