NHIỀU KIẾN NGHỊ VỀ VỐN CHO CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI
Kết quả kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 13 địa phương do KTNN thực hiện năm 2023 cho thấy, một số địa phương đã được bố trí hỗ trợ vốn cao hơn so với phương án, trong khi một số địa phương được bố trí vốn hỗ trợ thấp hơn. Việc nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là cơ chế phân bổ, huy động vốn theo kiến nghị của của Kiểm toán nhà nước được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã và 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là Chương trình mục tiêu quốc gia lớn, thế nhưng hàng loạt các vấn đề như: bố trí vốn chưa sát thực tế, thiếu cơ chế huy động vốn, chậm ban hành văn bản hướng dẫn... đã ảnh hưởng đến hiệu quả Chương trình.
Ở cấp Trung ương, công tác phân bổ vốn cũng còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa lập Kế hoạch 5 năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ giao kinh phí sự nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm trình Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chậm trình Chính phủ thông qua báo cáo phân bổ vốn ngân sách Trung ương năm 2022...
Bộ Tài chính chưa tổng hợp, đề xuất phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 5 năm cho từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước kiến nghị ủy ban nhân dân các tỉnh được kiểm toán khẩn trương hoàn thiện, trình hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố ban hành cơ chế lồng ghép các nguồn vốn.
Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 145.728 triệu đồng; bố trí vốn ngân sách địa phương hoàn trả chương trình 102.360 triệu đồng. Kiến nghị xử lý khác 307.259 triệu đồng.
Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành rà soát phương án phân bổ vốn đối với các địa phương còn sai sót, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đề xuất cân đối vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương để Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ thực hiện./.
Thực hiện: Lưu Hường – Nguyễn Lộc