Video Tin trong nước

Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực không thể “về đích”

Dù xuất khẩu là điểm sáng trong kinh tế Việt Nam năm 2023, song thực tế nhiều ngành hàng xuất khẩu gặp khó khăn do thị trường thế giới bất ổn và bị thu hẹp. Năm 2023 đang dần khép, nhiều ngành hàng xác định không thể “về đích” kế hoạch xuất khẩu.
08:59 - 24/12/2023

Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực không thể “về đích” 

Nếu như từ những năm trước 2021, dệt may là “ngôi sao sáng” trong bức tranh xuất khẩu chung của cả nước, thì đến năm 2022, những biến động của thị trường thế giới đã dần ngấm khiến ngành hàng này dần mất đi những đơn hàng lớn, phải cắt giảm lao động, thu hẹp dần quy mô sản xuất. Tình trạng này trở lên tồi tệ hơn khi trong suốt năm 2023, bất ổn kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục gia tăng, lạm phát thế giới tăng cao khiến hoạt động xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam gần như bị đình trệ.

Trước những khó khăn đã được dự báo trước, ngành dệt may đề ra hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2023, gồm kịch bản tích cực có thể đạt giá trị xuất khẩu 47- 48 tỷ USD với kỳ vọng nhu cầu hồi phục; và 45-46 tỷ USD cho kịch bản còn lại kém tích cực hơn. Thế nhưng, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh khiến dự kiến cả năm nay toàn ngành chỉ đạt giá trị xuất khẩu khoảng 40,3 tỷ USD.

Tình trạng ảm đạm cũng bao trùm ngành da giày.Dù trong quý 4 đơn hàng đã tăng 10-20% do thị trường xuất khẩu chính là Mỹ đang có những tín hiệu tốt. Tuy nhiên sự sụt giảm của những quý đầu năm quá lớn, khiến dự báo xuất khẩu toàn ngành cả năm chỉ đạt khoảng 19 tỷ USD, giảm gần 4 tỷ USD so với năm trước.

Đây là tình trạng chung đang diễn ra ở nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế đất nước, như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại và linh kiện.

Theo dự báo của các chuyên gia, ngay cả khi kim ngạch xuất khẩu có đạt được mức ấn tượng trong tháng 12, thì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm nay khả năng cao vẫn không thể đạt được.

Cũng theo các chuyên gia, năm 2024 dự báo bức tranh xuất khẩu chung vẫn sẽ gặp khó, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm. Để tồn tại và tăng trưởng, các ngành hàng xuất khẩu cần xác định “lối đi riêng” bền vững cho mình trong năm kinh tế tiếp theo.

Thực hiện: Vũ Đào – Trọng Khánh – Ngọc Toàn