Theo thống kê của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, năm 2020, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tuy nhiên, theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, chỉ những đối tượng khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng mới thuộc diện được cấp thẻ BHYT với mức chi trả 100% (trong phạm vi chi trả của BHYT). Còn những người khuyết tật nhẹ nếu không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có việc làm để tham gia BHYT bắt buộc thì không được hưởng chính sách nào về BHYT. Trong khi người khuyết tật nhìn chung đều có sức khỏe yếu và thường phải tham gia khám chữa bệnh rất nhiều.
Tại hội thảo “Một số khuyến nghị về chính sách y tế, giáo dục đối với người khuyết tật” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tạo điều kiện cấp thẻ BHYT cho người khuyết tật nhẹ, cần xem xét sửa đổi Khoản 7,8 Điều 23 Luật Bảo hiểm Y tế để việc khám, điều trị các khuyết tật mắt ở mức độ nặng và các dụng cụ phục hồi chức năng như nạng, nẹp, gậy định hướng, máy trợ thính, ốc tai điện tử... vào danh mực vật tư y tế do Bảo hiểm y tế chi trả hoặc hỗ trợ một phần theo tỉ lệ hoặc quy định mức thanh toán tối đa.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của các chính sách y tế đối với người khuyết tật. Việc tạo điều kiện quan tâm, hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật, tạo cơ hội để họ được hòa nhập bình đẳng và đầy đủ vào cộng đồng xã hội.
Anh Vũ - Lê Hải
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.