Nhìn lại một thời “Nghệ sĩ là Chiến sĩ”
Trên những mảnh giấy ố vàng, nét vẽ sống động về hiện thực đời sống của quân, dân cả nước tham gia kháng chiến chống Pháp của thế hệ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam gợi lên bao thương nhớ của một thời “nghệ sĩ là chiến sĩ’. Đó là hình ảnh sau khi giặc vừa đi qua, hay chiến sĩ du kích, những đổ nát sau trận đánh, dân công sửa chữa cầu đường, bộ đội lội suối, cảnh nông dân tay bừa tay súng, các lớp học bổ túc… Các tác phẩm được vẽ ký họa bằng chì, mực, màu nước, bột màu... trên nhiều loại giấy có trong thời điểm đó nhưng đều là những khoảnh khắc lịch sử, chân thực và giàu cảm xúc về cuộc kháng chiến, về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, anh dũng chiến đấu, thi đua tăng gia sản xuất của quân dân cả nước.
Trong đoàn quân nghệ sĩ - chiến sĩ năm xưa có những họa sĩ bậc thầy như Tô Ngọc Vân, Văn Sáng, Diệp Minh Châu, Trần Văn Cẩn...
Đến với triển lãm, người xem như được hòa mình vào một thời kỳ sôi động của văn nghệ kháng chiến. Các họa sĩ đã trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa: họ vẽ tranh, tổ chức triển lãm, làm báo, tuyên truyền, dạy mỹ thuật, hay trực tiếp tham gia chiến đấu; lấy nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân làm niềm cảm hứng, đề tài sáng tác. Những sự tận tụy, hy sinh, hiến dâng ấy của các họa sĩ đã trở thành bất tử, là bài học quý giá và vô giá cho ngày hôm nay và các thế hệ mai sau./.
Thực hiện: Tiến Dũng – Trọng Khánh