Tại các khu chợ dân sinh, nhộn nhịp hơn cả có lẽ là các quầy hàng bán cá chép. Cá chép là con vật không thể thiếu trong ngày lễ Tết ông Công, ông Táo. Mọi người tranh thủ lựa chọn các con cá chép to, khỏe để phóng sinh sau khi cúng. Bởi theo quan niệm dân gian thì cá chép sẽ hóa rồng và trở thành phương tiện để đưa ông Công, ông Táo về trời. Năm nay do thời tiết tháng trước khá lạnh, cá giống chết nhiều khiến cá ít hơn. Dịch bệnh COVID-19 cũng khiến cá ở một số vùng nuôi không xuất đi được, nên giá bán cá tăng cao.
Mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo được bày bán khá đa dạng, bên cạnh các mặt hàng trang trí Tết. Năm nay, đồ lễ vàng mã, quần áo giấy cúng ông Công, ông Táo mẫu mã phong phú hơn mọi năm. Giá của các mặt hàng này không tăng, nhưng sức mua của người tiêu dùng giảm nhiều.
Tấp nập và nhộn nhịp không kém là các quầy hàng bán gà, xôi và hoa để bày mâm cúng tại ngã tư Hàng Bè, Gia Ngư, Đinh Liệt, Cầu Gỗ. Tuy chỉ có khoảng 20 cửa hàng không quy mô như các chợ khác, giá cả đắt hơn hẳn ở các chợ nhưng nơi này vẫn là lựa chọn hàng đầu để mua sắm lễ cúng ông Công, ông Táo của những gia đình sống lâu năm ở phố cổ Hà Nội.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người dân thủ đô cũng hạn chế với việc đến nơi đông người, đặc biệt là các khu vực chợ. Thế nên, những shipper này cũng được dịp làm việc không ngưng nghỉ trong ngày Tết ông Công ông Táo hôm nay.
Theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp, ông Công và ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để trình báo những chuyện xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho dù phong tục ở mỗi nơi có khác nhưng ở đâu thì lễ cúng ông Công ông Táo cũng được tổ chức chu đáo, trang trọng để cầu may mắn, an lành trong năm mới.
Duy Hưng - Minh Quân
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.