Hiện tượng này ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ nói chung khi mà nguồn ngoại tệ thất thoát dẫn đền việc nguồn cung khan hiếm nếu không được bù đắp một cách kịp thời.
Theo quy định của các ngân hàng, tỷ giá bán ra, ví dụ đồng đô la Mỹ, do Ngân hàng nhà nước công bố. Đối tượng được mua ngoại tệ, gọi là chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài, được nêu rõ tại Nghị định số 70 ban hành ngày 17/7/2014. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp lợi dụng kẽ hở quản lý, trục lợi từ sự chênh lệch tỷ giá.
Trao đổi với một người chuyên mua bán, thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do, chị này cho biết, một trong những kênh mua gom tiền nước ngoài là từ các cá nhân. Những người đó giả danh khách du lịch mua ngoại tệ từ các ngân hàng. Sau rồi bán lại ăn chênh lệch.
Ví dụ như ngày 27/7/2022, tỷ giá đồng đô la Mỹ ở mức 23.192 đồng/1 đô la trong khi giá chợ đen vào khoảng hơn 24.000 đồng/1 đô la. Tính ra với số tiền 5.000 đô la hạn mức áp dụng theo quy định với khách du lịch, số tiền chênh lệch là 2,5 triệu đồng
Hiện tượng chênh lệch tỷ giá dẫn đến hoạt động mua bán, trục lợi gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiền tệ, khi mà tình trạng chảy máu ngoại tệ trong nước tác động xấu đến vấn đề dự trữ ngoại hối của các ngân hàng. Từ đó buộc các tổ chức tài chính phải bơm thêm ngoại tệ nhằm duy trì sự ổn định thị trường.
Pháp luật quy định, việc đổi ngoại tệ chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và các đại lý đổi ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Tổ chức kinh tế chỉ được cấp phép thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Những vi phạm nhằm trục lợi từ sự chênh lệch tỷ giá cần được kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế dòng ngoại tệ giao dịch phi chính thức qua đó tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ.
Như Nguyên – Sỹ Thành
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.