Với đặc thù là một không gian liên thông, được chi phối bởi các hoàn lưu biển, ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành vấn nạn của toàn cầu. Tại Việt Nam, lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới).
Trong chương trình hành động quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương. Tại hội thảo “Hỗ trợ kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về rác thải nhựa biển” do Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức chiều ngày 27/4, Tiến sĩ Trịnh Thái Hà, Giám đốc Quốc gia, Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa Việt Nam nhận định, đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng có thể thực hiện được nếu đưa nhựa quay trở lại vòng kinh tế tuần hoàn.
Nền kinh tế tuần hoàn không phải là một khái niệm mới. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc, nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Cách tiếp cận này được xác định là một giải pháp bền vững, đặc biệt với vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam hiện nay.
Biến nhựa thành những sản phẩm tái chế không hề khó, chỉ cần mỗi người nâng cao ý thức, có thể tái sử dụng nguồn vật liệu này hiệu quả và hữu ích, qua đó giảm tác động đến môi trường sống.
Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để tiến gần tới mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương. Trên hành trình đó, rõ ràng việc ứng dụng các sản phẩm nhựa vào nền kinh tế tuần hoàn được xem như yếu tố then chốt để hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong tương lai.
Thực hiện: Anh Vũ – Minh Quân
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.