Trong bối cảnh đó, Dự án “Xây dựng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hợp tác triển khai đã ghi dấu những tiến bộ đáng kể.
Theo thống kê do các tổ chức UNFPA, UN Women, UNICEF thực hiện năm 2020, tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần hay kiểm soát hành vi, kinh tế). Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo hành đến đường dây nóng của Trung Tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tăng 130% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.
Được triển khai từ năm 2017, tới nay, sau gần 4 năm thực hiện, Dự án “Xây dựng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” đã tạo cơ hội để hơn 10 triệu lượt người được tiếp cận với kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là kiến thức về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc tổ chức 3 chiến dịch truyền thông toàn quốc hàng năm.
Các hoạt động truyền thông tập trung vào các khu công nghiệp nhằm góp phần thúc đẩy văn hóa nói không với quấy rối tình dục tại môi trường làm việc. Bên cạnh đó, dự án thiết lập mô hình Ngôi nhà Ánh Dương, nơi cung cấp các dịch vụ thiết yếu, tích hợp hỗ trợ người bị bạo lực giới lần đầu tiên tại Việt Nam.
Dù chặng đường phía trước còn nhiều thách thức nhưng với những nỗ lực trong suốt 4 năm qua, Dự án “Xây dựng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” đã và đang hướng tới ngăn ngừa và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em gái được sống cuộc sống không có bạo lực, với phẩm giá của họ, tạo cơ sở hoàn thành chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Thực hiện: Anh Vũ – Minh Quân
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.