Video Tin trong nước

Nơi lưu giữ chiến công

Trong những ngày tháng 7 này, mỗi người dân Việt Nam đều hướng lòng mình tri ân các anh hùng liệt sĩ. Cùng với những chiến công và sự hy sinh, mỗi bước chân, mỗi địa danh mà họ đã đến, đã đi qua, nay đã trở thành những địa chỉ đỏ, những địa danh du lịch nổi tiếng.
19:17 - 14/07/2020

Ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 40km, là khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định trong vòng 105 ngày từ ngày 31/1/1954 đến 15/5/1954 của chiến dịch Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Từ sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên đã trở thành cụm di tích lịch sử thu hút hàng nghìn khách du lịch tới tham quan mỗi năm của tỉnh Điện Biên. 

Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất giản dị, với diện tích 18m2 được làm bằng những vật liệu có sẵn tại địa phương như nứa, cỏ gianh. 

Nhưng có một điều nổi bật, đó là tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ có một đường hầm nhỏ, xuyên núi, thông giữa hai lán làm việc của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Đường hầm tuy chỉ dài 69m, cao 1,7m, nơi rộng nhất là 3m, những giữa đường hầm có một phòng họp diện tích 18m2, với 5 vị trí đặt máy thông tin liên lạc. Khi được đi qua đường hầm, trải nghiệm và tìm hiểu về những điều kỳ diệu làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, khiến nhiều du khách không khỏi bồi hồi, xúc động. 

Du lịch gắn với truyền thống lịch sử nay đang là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Điện Biên, nên cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông vào các khu di tích này đã được tỉnh đầu tư, tạo thuận lợi hơn cho du khách trong việc đi lại. Trải qua thời gian với nhiều lần tu sửa, trùng tu, song di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào, vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ, mang đậm dấu ấn của một thời lịch sử hào hùng của dân tộc. 

Trở về với những vùng đất lịch sử, dừng chân tại những nơi đã chứng kiến sự hy sinh của các thế hệ đi trước, mỗi chúng ta càng trân quý hơn cuộc sống yên bình ngày hôm nay. Bởi vậy, việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích, gắn với khai thác hợp lý trong phát triển du lịch bền vững sẽ mang lại nhiều điều ý nghĩa, hấp dẫn hơn cho mỗi người dân Việt Nam và cả du khách quốc tế.

Thực hiện: Duy Hưng - Lê Hải

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.