Họa sĩ Mộng Bích sinh năm 1933 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, là học trò của những họa sĩ tên tuổi như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Phan Chánh… Ngoài một tình yêu thuần khiết đối với hội họa, họa sĩ Mộng Bích còn thừa hưởng ở những người thầy của mình kiến thức và thủ pháp mỹ thuật tuyệt vời.
Là người đi qua gần một thế kỉ, chứng kiến nhiều đổi thay của đất nước và nền mỹ thuật Việt Nam, giờ họa sĩ Mộng Bích chọn lối sống tĩnh lặng, an nhiên nơi thôn quê, làm bạn với cỏ cây hoa lá, giao tiếp với bên ngoài chỉ bằng những tác phẩm hội họa. Xem tranh của bà, người xem bị lay động mạnh mẽ bởi bút pháp hiện thực, chân phương, hòa sắc nền nã vô cùng, bao giờ cũng gây cho người xem cảm giác chân thực, gần gũi.
Vốn chỉ an nhiên, tự tại sống và sáng tác trong không gian đầy hoài niệm và đậm chất văn hóa dân gian làng quê Bắc Bộ ở ngoại thành Hà Nội, được sự động viên và khích lệ của các con, cháu, đặc biệt là người cháu nội Bùi Hoài Nam Sơn, cũng là tác giả của những khung hình bình dị ghi lại cuộc sống thường ngày của bà trong xưởng vẽ thơ mộng nhất Việt Nam, sau một thời gian dài suy nghĩ, họa sĩ Mộng Bích đã ra mắt triển lãm cá nhân đầu tay mang tên “Đi giữa hai thế kỉ”.
30 bức tranh tiêu biểu trong từng giai đoạn sáng tác của bà được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống giản đơn thường ngày, những con người bình dị đã gặp, những khung cảnh bình yên của các vùng miền bà từng đi qua…
Gần ¾ thế kỉ gắn bó với hội họa, họa sĩ Mộng Bích vẫn trung thành với lối đi riêng, cả cuộc đời bà chỉ sáng tác theo nhân sinh quan của mình mà không bị ảnh hưởng bởi những trào lưu của xã hội. Bà luôn thấy được vẻ đẹp từ những điều giản dị, thậm chí tầm thường để rồi thể hiện bằng cảm quan hội họa thiên bẩm.
Mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng ở tuổi 87, “cây đại thụ lặng lẽ của nền mỹ thuật Việt Nam” vẫn miệt mài vẽ mỗi ngày, như một niềm hạnh phúc giản đơn, bền bỉ nhưng không kém phần rực rỡ nơi làng quê trầm mặc.
Mời quý vị xem các tin tức mới nhất tại đây./.