Trăn trở trước thực trạng này, nghệ nhân Lâm Thị Hương, ở tỉnh Sóc Trăng đã quyết tâm giữ gìn và tiếp tục phát triển đoàn vũ kịch Rô băm, với mong muốn sẽ ngày càng có nhiều người biết đến và yêu thích môn nghệ thuật này.
Nghệ nhân Lâm Thị Hương, dân tộc Khmer là đời thứ 5 kế tục, lưu truyền nghệ thuật vũ kịch Rô-băm Khmer Nam Bộ truyền thống của Đoàn Nghệ thuật Rô băm Ba Sak Bưng Chông ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Được hình thành cách đây 200 năm, đây là đoàn nghệ thuật Rô-băm truyền thống duy nhất còn hoạt động ở Sóc Trăng hiện nay.
Rô-băm là loại hình vũ kịch cổ điển truyền thống của sân khấu cung đình Khmer xưa, còn có tên gọi là hát Rằm, hay hát Ream. Ở các tỉnh có đông cộng đồng dân tộc Khmer sinh sống như Trà Vinh, Sóc Trăng nghệ thuật vũ kịch Rô băm phát triển mạnh vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, dưới sự bảo trợ của các chùa Khmer địa phương. Thế nhưng ngày nay, Rô-băm đang dần thất truyền vì lớp trẻ Khmer hiện nay lại ít người mặn mà, đam mê theo học, trong khi đó lớp nghệ nhân lớn tuổi không còn nhiều. Trăn trở trước sự mai một của nghệ thuật Rô băm, nhiều năm qua, nghệ nhân Lâm Thị Hương vẫn tìm cách duy trì và phát triển đoàn vũ kịch Rô-băm gia đình dù gặp phải rất nhiều khó khăn.
Vũ kịch Rô-băm đòi hỏi diễn viên phải có tính chuyên nghiệp cao, nghệ sĩ trình diễn phải thể hiện được hầu hết các vai trong vở diễn từ vai thiện đến vai ác của các chuyện xưa tích cũ. Đến nay, không còn nhiều nghệ nhân vừa có thể múa, vừa có thể sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ, chế tác đạo cụ như nghệ nhân Lâm Thị Hương. Dẫu biết còn nhiều gian nan, song nữ nghệ nhân này vẫn chưa khi nào có ý định từ bỏ quyết tâm phát triển và truyền dạy nghệ thuật Rô-băm cho các thế hệ kế tục.
Thực hiện: Vũ Đào – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.