Video Tin trong nước

Nuôi dưỡng văn hóa đọc cho thanh, thiếu niên khiếm thị

Văn hóa đọc không chỉ góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Những năm qua, việc thúc đẩy văn hóa đọc đã và đang được đẩy mạnh trong cộng đồng, đặc biệt hướng tới những thanh thiếu niên khiếm thị.
19:39 - 15/11/2021

Không nhìn thấy ánh sáng, nhưng anh Trần Bình Minh, nhân viên xưởng in chữ Braille, Hội Người mù Việt Nam, vẫn học tập và làm việc như những người bình thường khác. Anh vừa giành giải đặc biệt của cuộc thi viết chữ Braille (ONKYO) dành cho người khiếm thị năm 2020 do Hiệp hội Người mù khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Anh chia sẻ, với sự hỗ trợ của công nghệ số, người khiếm thị vẫn có thể học tập và tiếp cận nguồn tri thức từ sách.

Bên cạnh việc phối hợp tổ chức những cuộc thi về văn hóa đọc: “Gia đình đọc sách-gắn kết yêu thương”, “Đại sứ văn hóa đọc”, “Đọc và tự học suốt đời”... những năm qua, Hội người mù Việt Nam đã tích cực mở các lớp xóa mù chữ Braille, phổ cập Tin học, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, tạo tiền đề cơ bản giúp các thanh thiếu niên khiếm thị hòa nhập với xã hội. Đến nay, đã có gần 5000 hội viên trẻ và học sinh, sinh viên khiếm thị biết chữ Braille, sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại thông minh. Đây cũng chính là cơ sở để phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu niên khiếm thị. 

Với sự quan tâm của các cấp ngành và sự nỗ lực của các cấp Hội người mù, các thanh thiếu niên khiếm thị nói riêng và người khiếm thị nói chung đã và đang từng bước được tiếp cận với kho tàng tri thức của nhân loại trong kỷ nguyên số, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, vươn lên hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Anh Vũ - Anh Dũng

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.