“Một nhà hàng từ chối phục vụ du khách Trung Quốc
Du học sinh Việt Nam từ Hàn Quốc về bức xúc vì bị kỳ thị
Sản phụ đến từ Vĩnh Phúc bị từ chối mổ đẻ”
Đó là một số tiêu đề trên các báo thời gian gần đây về thực trạng kỳ thị trong một bộ phận người dân vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Và giờ đến lượt người dân thủ đô bị e ngại, tránh né.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, với nguồn lây nhiễm từ bên ngoài thông qua các khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đã có nhiều du khách Trung Quốc, Châu Âu không tìm nổi một khách sạn để trú chân, hay đi đến nhà hàng nào cũng bị từ chối phục vụ.
Một số hướng dẫn viên cho biết, một số nơi trong lịch trình tour đã từ chối cho khách nước ngoài dừng chân đi vệ sinh hoặc các điểm tham quan từ chối tiếp hay giúp đỡ đoàn, khiến họ buộc phải nhiều lần thay đổi lịch trình tour cho khách.
Bên cạnh đó, một số ngành nghề đặc thù: tiếp viên hàng không, các y, bác sĩ cũng đối mặt với tình trạng e ngại, né tránh, dù họ là những người có mặt trong tuyến đầu chống dịch. Đáng ngại hơn, sự kỳ thị đã khiến nảy sinh tâm lý lo ngại, có người có nguy cơ cao mắc Covid-19 che giấu tình trạng bản thân, không khai báo trung thực, gây lây nhiễm cho người khác.
Rõ ràng, sự tẩy chay, kỳ thị của một bộ phận người dân không chỉ làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam, ảnh hưởng tới công việc của nhiều người mà còn gây khó khăn cho công tác chống dịch.
Ngày 17/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2052/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm những hành vi tẩy chay, kỳ thị khách du lịch nước ngoài.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành văn bản gửi các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các địa phương về việc “Ứng xử với khách du lịch nước ngoài”. Theo đó, các đơn vị kịp thời có trách nhiệm phát hiện, xử lý các trường hợp phân biệt đối xử với khách du lịch của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục.
Phần lớn người dân cũng không đồng tình với hành động kỳ thị đối với những người mang bệnh hoặc ở trong vùng có dịch.
“Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau luôn là phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam. Hành động tẩy chay, kỳ thị như “con sâu bỏ rầu nồi canh” đáng bị lên án. Song điều đó cũng không thể xóa đi những hình ảnh đẹp về những y bác sĩ, chiến sĩ và cả những người dân đang sẻ chia, đồng lòng chung tay cùng đầy lùi đại dịch Covid-19.
Mời quý vị xem các Bản tin Nhịp sống thường ngày đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.