Căn nhà này vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn dù đã trải qua bao biến cố của lịch sử cùng thăng trầm của thời gian. Đó là nơi chiến sĩ cách mạng Phan Đăng Lưu sinh ra và lớn lên. Đến thăm Di tích Lịch sử quốc gia này lại nhắc nhớ về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của trí thức tiêu biểu của Đảng - Phan Đăng Lưu.
Tư chất thông minh, hiếu học hơn người đã giúp cậu học trò họ Phan sớm đến với tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Nhận rõ bản chất xấu xa của chế độ thực dân phong kiến, nỗi thống khổ của tầng lớp công nhân, nông dân; ngưỡng mộ những nhà yêu nước và cách mạng đáng kính như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, nên Phan Đăng Lưu đã sớm giác ngộ và dấn thân cho sự nghiệp cách mạng vì mục tiêu độc lập cho dân tộc.
Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu thuộc lớp tiền bối của Đảng, từng tham gia các tổ chức yêu nước có xu hướng cộng sản như Hội Phục Việt, Hội Hưng Nam, Đảng Tân Việt, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 9/1939, Phan Đăng Lưu được Trung ương chỉ đạo rút vào Nam Kỳ hoạt động bí mật. Tháng 11/1939, ông ra Việt Bắc dự Hội nghị Trung ương lần thứ VII, được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta lúc đó.
Tại Hội nghị này, nhận thấy tình thế cách mạng ở Nam Kỳ chưa chín muồi, ông xin Trung ương cho hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Ông vội vã trở lại vùng đất đang sục sôi khí thế cách mạng, nhưng không kịp. Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi vừa đặt chân xuống Sài Gòn.
Giữa năm 1941, Phan Đăng Lưu cùng các chiến sĩ cộng sản ưu tú Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập và nhiều đồng chí khác hy sinh oanh liệt trước mũi súng quân thù trong niềm tin tất thắng của cách mạng. Tấm gương người cộng sản Phan Đăng Lưu đã trở thành hình tượng trong văn học và nghệ thuật, để lại sự ngưỡng mộ và tự hào cho hậu thế.
Mỗi lần đặt chân tới mảnh đất Yên Thành, nơi sản sinh ra nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu, mỗi chúng ta càng thêm tự hào về những người con ưu tú của dân tộc, đã hy sinh cả cuộc đời mình cho hòa bình độc lập tự do hôm nay.
Thực hiện: Việt Hoa, Quốc Hùng, Sỹ Thành
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.