PHẤN ĐẤU TĂNG TRƯỞNG GDP CẢ NƯỚC TRONG QUÝ III ĐẠT 6,5-7%
Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và đầu tư, trong tháng 6, quý 2 và 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế xã hội cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp, thu hút FDI được cải thiện. Các lĩnh vực, văn hóa, xã hội, thể thao tiếp tục phát triển. Đời sống nhân dân ổn định và nâng lên; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được củng cố; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Nổi bật là “10 mặt được” đáng chú ý gồm: GDP quý I tăng 5,66% (cao nhất Đông Nam Á); GDP quý II tăng cao hơn quý I, đạt 6,93%. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt cận trên trong kịch bản tăng trưởng 6 tháng tại NQ 01 (5,5-6%).
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành và địa phương, phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 7, quý III, 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, phải quyết tâm khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: năm sau phải đạt kết quả tốt hơn, cao hơn năm trước.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó: Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa và tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; Tiếp tục điều tiết tỷ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp; Giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; có các giải pháp đồng bộ cả về thể chế và quản lý thị trường cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; Tăng cường công tác quản lý giá; Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho SXKD và tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện; Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 03 CTMTQG; Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; Có cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới nhất là về 3 lĩnh vực: Thể chế, cơ chế, chính sách; Phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như chíp bán dẫn, AI…/.
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương