Phát huy sức mạnh cộng đồng trong phát triển kinh tế
Đồng Tháp, một vùng đất thuần nông, nơi người nông dân gắn bó cả cuộc đời với ruộng vườn cây trái. Nhưng vài năm trở lại đây, người nông dân ở đây còn được biết đến trong một vai trò mới khi dấn thân vào con đường kinh doanh du lịch dịch vụ. Những mô hình du lịch nông nghiệp đã thay đổi đời sống và cả tư duy kinh tế của bà con.
Còn tại Thái Nguyên, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đầu năm nay vừa nhận giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới”. Đây là giải thưởng xứng đáng dành cho hơn 200 cư dân là đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở đây với những nỗ lực trong bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Để có được điều này phần lớn là nhờ sự đoàn kết của bà con khi quyết định ăn chung một nồi cơm, tiêu chung một túi tiền, cùng lao động và làm du lịch cộng đồng.
Qua cách chia sẻ kinh nghiệm chân thành và giản dị của người đứng đầu bản làng Thái Hải, có thể nhận thấy phát triển cộng đồng dựa vào nội lực có thể được xem là một gợi mở cần lan toả rộng rãi trong xã hội.
Ở Việt Nam, đã có rất nhiều mô hình cộng đồng làm kinh tế thành công nhờ dựa vào nội lực, sáng kiến, sáng tạo của chính cộng đồng đó. Đặc biệt với những cộng đồng là người dân tộc thiểu số lại càng cần được khuyến khích, tạo cơ hội thuận lợi để phát huy tinh thần chủ động, tự lực, dựa trên điều kiện và nguồn lực sẵn có./.
Thực hiện: Lê Liên - Quốc Hùng - Chí Phương