Phát huy vai trò của kiểm toán nhà nước trong cơ cấu lại tài chính công
Với nguyên tắc “Hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; “Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch”, KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. KTNN giúp đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quyền quản lý, sử dụng tài chính công (TCC), đồng thời, thúc đẩy hệ thống quản lý, quản trị TCC và việc cơ cấu lại TCC một cách hiệu lực, hiệu quả, đúng chủ trương, định hướng; kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập, những kẽ hở, lỗ hổng của cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TCC... để đưa ra những kiến nghị nhằm khắc phục kịp thời, giúp tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, quản trị và sử dụng TCC.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu TCC giai đoạn 2021-2030 đặt ra cũng rất lớn đòi hỏi sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của KTNN. Thông qua kiểm toán, KTNN sẽ phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng TCC, từ đó kiến nghị để các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính, ngân sách.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Kiểm toán nhà nước trong việc đẩy mạnh cơ cấu lại tài chính công, thì Kiểm toán Nhà nước cũng cần tiếp tục đảm bảo tuân thủ quy trình chuẩn mực trong quá trình kiểm toán và nâng cao chất lượng các báo cáo kiểm toán; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào hoạt động kiểm toán... Qua đó đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng và yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.