Theo thống kê, cả nước hiện có trên 20.000 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 292 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế nhưng các địa bàn này có lợi thế là tính nguyên sơ, đa dạng về khí hậu, tài nguyên rừng, sản phẩm địa phương và bản sắc văn hóa. Các yếu tố này có thể khai thác như 1 tài nguyên du lịch tạo sinh kế cho người dân tại những vùng đặc biệt khó khăn này.
Nguồn lực ở những vùng đặc biệt khó khăn này luôn sẵn có, tuy nhiên, để du lịch cộng đồng ở những vùng này phát triển thì yếu tố quan trọng nhất là người dân ở đây phải nhận dạng được nguồn lực và phát triển nó trở thành những nét đặc sắc riêng có.
Thực tế đã chứng minh, việc người dân nhận dạng được nguồn lực và có sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương để phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng đặc biệt khó khăn đã mang lại hiệu quả cao. Điển hình như ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái có các điểm du lịch cộng đồng, du lịch homestay thu hút được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Mô hình đem thu nhập cao cho các hộ dân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện tạo sinh kế bền vững cho người dân, xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây cũng là một trong những hướng đi quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, đồng thời, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tiến Dũng - Quốc Hùng
Cùng đón xem những tin tức nổi bật tại đây./.