PHỤ NỮ CAO TUỔI RẤT DỄ GẪY XƯƠNG DO LOÃNG XƯƠNG
Phụ nữ cao tuổi rất dễ bị gẫy xương khi sinh hoạt do loãng xương, thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người cao tuổi khi về già. Bệnh lý loãng xương ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở người cao tuổi. Theo nghiên cứu ở Việt Nam có khoảng 20% phụ nữ trên 60 tuổi bị mắc bệnh loãng xương, đàn ông ở độ tuổi này có tỷ lệ mắc là khoảng 10%.Loãng xương thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ từ 60 tuổi trở lên, phụ nữ sau mãn kinh.
Loãng xương ban đầu thường diễn biến âm thầm, ít có biểu hiện triệu chứng cụ thể. Các triệu chứng nếu có thường khi đã có biến chứng hoặc là biểu hiện của bệnh lý gãy xương thứ phát như: Đau nhức mỏi (cột sống lưng, xương đùi hoặc xương đầu gối) có thể cấp tính hoặc mạn tính. Gãy xương: các vị trí thường bị gãy là đầu dưới xương quay, cổ xương đùi, các đốt sống, … Đặc trưng của gãy xương này là thường xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, tai nạn sinh hoạt, thậm chí không rõ chấn thương. Phụ nữ sau tuổi mãn kinh nên đi tầm soát bệnh loãng xương, nếu phát hiện loãng xương, các bác sỹ sẽ kê đơn bổ sung thuốc, chế độ ăn hợp lý, từ đó phòng tránh loãng xương dẫn tới gẫy xương, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống./.
Thực hiện: Mai Lan, Đức Thành