Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư có trọng điểm, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Phú Thọ hiện có 1.841 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ. Trong số đó, có 318 di tích được Nhà nước xếp hạng; 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan Hát Xoan; 4 bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Đền Hùng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt; 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại là Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Ca Trù.
Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của địa phương, những năm qua, Phú Thọ đã ban hành những chủ trương, chính sách và giải pháp hiệu quả trong công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững.
Bên cạnh việc ban hành những chủ trương, đề án bảo tồn văn hóa, Phú Thọ cũng tích cực thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Trong 10 năm qua, đã có gần 200 di tích được tu bổ, tôn tạo, phục dựng; trong đó có 20 di tích đình, đền, miếu - nơi có tục lệ hát Xoan vào dịp đầu Xuân, 55 di tích thờ Hùng Vương… Việc bảo tồn không gian văn hóa đã góp phần hình thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo ra những tuyến điểm thu hút du khách trong và ngoài nước, đóng góp vào phát triển du lịch và kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa trong chiến lược phát triển của địa phương, Phú Thọ đã và đang tập trung các nguồn lực thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, quảng bá bản sắc vùng Đất Tổ trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại.
Anh Vũ – Chí Phương – Đàm Trượng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.