Tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề truyền thống, hơn 500 hợp tác xã đang hoạt động; trong đó, có 350 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cùng một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng như: Vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất chè... Đây là tiềm năng sẵn có để phát triển các sản phẩm đặc trưng tham gia Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị nông sản, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tập trung giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương gắn với phát triển du lịch. Mới đây nhất, Tuần lễ quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2022 đã được tổ chức, thu hút gần 90 gian hàng của 12 tỉnh tham gia, trong đó có 53 gian hàng là các sản phẩm đặc trưng của các đơn vị trong tỉnh với hơn 1.000 sản phẩm nông sản, trong đó, có hơn 600 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên.
Nhận thức được xu hướng đi du lịch sau đại dịch sẽ dịch chuyển sang hướng xu lịch xanh, du lịch gắn với khám phá thiên nhiên, Phú Thọ đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến, giới thiệu các điểm tham quan, du lịch gắn với trải nghiệm, mua sắm những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Đây là hoạt động có ý nghĩa góp phần hình thành điểm tham quan, mua sắm phục vụ du khách khi đến vùng Đất Tổ, góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, tăng mức chi tiêu của du khách khi đến Phú Thọ. Từ đó, liên kết phát triển du lịch vùng miền, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội du lịch cho các hãng lữ hành trong tình hình hiện nay.
Theo thống kê, hiện Phú Thọ có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh. Việc quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với du lịch, trải nghiệm không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phục hồi và thúc đẩy ngành công nghiệp không khói giàu tiềm năng của vùng đất Tổ.
Anh Vũ - Minh Quân
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.