Thông qua chương trình đào tạo giảng viên quản lý dịch hại tổng hợp, các học viên nắm bắt được các nguyên tắc sản xuất nông nghiệp an toàn, giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất trên đồng ruộng, nhất là thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó giảng và giải thích cho người nông dân cách canh tác, sản xuất nông nghiệp an toàn.
Các khóa đào tạo về IPM - Quản lý dịch hại tổng hợp nhằm truyền tải được những tiến bộ kỹ thuật mới đến nông dân, đáp ứng tiêu chí đầu tư ít nhưng mang lại gia tăng lợi nhuận; giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất trên đồng ruộng, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường sống và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Chị Phạm Thị Thanh Tú, Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Hà Nội là một học viên của lớp IPM khu vực phía Bắc, hôm nay chị rất phấn khởi khi đã hoàn thành khóa học, chị chia sẻ, nhờ có chương trình đào tạo này chị nắm chắc được kiến thức canh tác lúa để về hướng dẫn cho bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn, hiểu được các giai đoạn của từng cây trồng, tác động các biện pháp phù hợp, tránh những chi phí không cần thiết, từ đó mang lại hiệu quả trong sản xuất cao hơn.
Thời gian khóa tập huấn được kéo dài bằng một vụ sản xuất lúa. Trong khóa huấn luyện, học viên được học lý thuyết kết hợp thực hành trực tiếp trên đồng ruộng về những kỹ năng như: kỹ thuật làm đất, gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây lúa trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Nhờ vậy, sau khóa học, học viên đã biết cách hướng dẫn người nông dân nhận biết, phát hiện sâu bệnh và tự đưa ra biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa kịp thời; biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, không ảnh hưởng môi trường. Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể, điều này vừa góp phần nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ được môi trường, hệ sinh thái, tiết kiệm chi phí.
Ông Hoàng Trung Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vừa qua, Cục đã tổ chức hai lớp đào tạo IPM tại phía Nam và phía Bắc, mỗi lớp kéo dài trong 105 ngày, cung cấp đầy đủ những kiến thức chuyên môn, kỹ năng huấn luyện cho nông dân. Sau khóa học, trở về đơn vị công tác, các học viên sẽ là những giảng viên IPM tham gia đào tạo giảng viên IPM và huấn luyện nông dân góp phần mở rộng và phát triển Chương trình IPM tại địa phương.
Theo ông Trung, hiện nay có rất nhiều vấn đề mới cần cập nhật và thay đổi. Theo đó, các nội dung, chương trình thí nghiệm mới nhất được đưa vào đào tạo. Ðối với chương trình IPM của lớp giảng viên cũng được bổ sung thêm 12 chuyên đề thiết thực nhất. Các chuyên đề này vừa mang tính bao quát, vừa mang tính xu thế bảo đảm sản xuất nông nghiệp bền vững để khi sản phẩm đầu ra đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu và mang lại giá trị cao.
Dự kiến, thời gian tới sẽ mở thêm nhiều lớp đào tạo giảng viên ở các địa phương khác và mở rộng ra nhiều loại cây trồng chủ lực.
Vũ Khuyên – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.