Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp. Nhiều loại hoa quả, trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để xuất khẩu chính ngạch sang các quốc gia khác thì hoa quả, trái cây Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, bao bì, đóng gói… Cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của Việt Nam.
Sau thời gian dài đàm phán, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã đạt được thỏa thuận với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật để xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Chanh leo cũng là loại quả tươi thứ 10 của Việt Nam được phép nhập khẩu khẩu vào thị trường tỷ dân này sau thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt, là niềm vui lớn đối với ngành nông nghiệp của những địa phương có diện tích trồng chanh leo lớn.
Để nhập khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì ngoài các yêu cầu về kiểm dịch thực vật trước xuất khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo Việt Nam phải được đăng ký và phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục BVTV. Bên cạnh đó, phải thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép và lưu trữ hồ sơ giám sát sinh vật gây hại, dư lượng thuốc BVTV, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, phải có cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng; đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số.
Việc xây dựng các vùng trồng gắn liền với cấp mã số vùng là xu hướng tất yếu của các thị trường nhập khẩu. Đây cũng là một tiêu chuẩn quan trọng để được hưởng những ưu đãi về thuế suất từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó, mã vùng trồng chính là "vé thông hành" cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Tiến Dũng – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.