Lễ hội Tiên Công - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, được người dân vùng đảo Hà Nam (Quảng Yên, Quảng Ninh) gìn giữ nhằm tưởng nhớ 17 vị Tiên công - những người đầu tiên quai đê, lấn biển lập làng ở vùng này. Lễ hội Tiên Công bắt đầu được tổ chức từ thế kỷ XVII, gắn với lịch sử hình thành vùng đảo Hà Nam và mang đậm bản sắc văn hóa cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng:
+ Không gian tổ chức lễ hội diễn ra ở 7 xã của đảo Hà Nam với trung tâm là Di tích miếu Tiên Công (xã Cẩm La) cùng các từ đường dòng họ đã được xếp hạng Di tích Quốc gia. Nét độc đáo, hấp dẫn và được mọi người dân háo hức chờ đợi nhất là hoạt động rước các cụ thượng thọ tròn 80, 90 tuổi, 100 tuổi lên miếu Tiên Công. Tùy vào điều kiện gia đình, việc thượng thọ có thể tổ chức to hay nhỏ nhưng đều phải tuân thủ các quy định về trang phục và lễ vật dâng ở Miếu.
+ Năm nay, Lễ hội Tiên công có 198 cụ tròn 80, 90 và 4 cụ 100 tuổi về dâng lễ vật lên các bậc tiên tổ. Các cụ thượng thọ được con cháu rước bằng võng, đoàn rước theo nhịp trống khẩu và âm nhạc của các phường bát âm; mỗi gia đình, dòng họ là 1 đám rước, nhập lại thành một đoàn lớn tạo nên không khí tưng bừng náo nhiệt nhưng rất trang trọng, nền nếp…
+ Mỗi độ xuân về, các xã đảo Hà Nam lại rộn ràng tiếng trống, tiếng nhạc bát âm cùng cờ ngũ sắc để mừng thọ các bậc cao niên. Đây không chỉ là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn các vị Tiên công - những người đầu tiên quai đê lập làng mà còn là dịp con cháu báo hiếu cha mẹ, cũng là hoạt động để các thế hệ trẻ dung dưỡng tâm hồn; thêm hiểu và thêm yêu những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại để cùng nhau gìn giữ, trao truyền mãi về sau.../.
Thực hiện Vũ Miền – Nguyễn Dương, PV Đài TNVN, thường trú VOV khu vực Đông Bắc