Quốc hội chất vấn nhóm lĩnh vực Nội chính, Tư pháp
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc xây dựng vị trí việc làm để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là nhiệm vụ rất quan trọng để triển khai cải cách chính sách tiền lương. Về cơ bản, từ năm 2016 đến nay, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm, tuy nhiên chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo được một cách đầy đủ, khoa học, căn cơ.
Liên quan tới việc giải quyết tình trạng một số cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng chưa được giao biên chế công chức, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là tình trạng đã tồn tại từ trước khi hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tính đến hết năm 2022, tổng số viên chức thuộc diện này là gần 7.200 người. Khi báo cáo với Ban Chỉ đạo về quản lý biên chế, Bộ đã báo cáo thực trạng này như một sự tồn tại của lịch sử, cần chuyển vị trí viên chức thành công chức để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho các đối tượng này.
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến tình trạng nợ đọng văn bản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn chi tiết đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có trách nhiệm của Bộ Tư pháp là đơn vị chịu trách nhiệm chung tham mưu cho Chính phủ trong việc thẩm định, rà soát và đôn đốc kiểm tra việc phải thi hành.
Trả lời của đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định về việc thực hiện Thông tư 65 của Bộ Tài chính về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện thì có một số địa phương phản ánh là gặp vướng mắc, tuy nhiên vấn đề ở đây là cần xác định được những vướng mắc này là do Luật hay do cách hiểu khác nhau. Hiện Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính để thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ.
Thực hiện: Huy Vinh – Quốc Hùng