Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS đa số các đại biểu đồng tình thống nhất với tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV/AIDS nhằm bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV/AIDS trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện đang tồn tại tình trạng người thân đang chăm sóc cho những người nhiễm HIV/AIDS liệu có bị nhiễm hay không khi người bệnh không có ý thức tự giác thì rất nguy hiểm. Vì vậy việc tiếp cận được thông tin người nhiễm là hết sức cần thiết để tránh lây nhiễm cho người thân như cha mẹ, vợ hoặc người chăm sóc trực tiếp về y tế của đối tượng này.
Đồng tình với việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin là cần thiết nhưng đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho rằng, việc mở rộng ra nhiều đối tượng như dự thảo luật đang trình Quốc hội là quá rộng và lo ngại điều này chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của người nhiễm HIV/AIDS.
Đại biểu Dung cho biết, trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Y tế sau khi khảo sát ý kiến của 1.800 người nhiễm HIV/AIDSvẫn còn 27,8 % không đồng ý với quy định này do tâm lý sợ bị lộ. Theo đại biểu, có thể một số nhóm cán bộ không được tiếp cận thông tin về người nhiễm sẽ gặp một số khó khăn trong công việc nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được.
Tại Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật về nghĩa vụ của người dân, trong đó có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm dương tính cho vợ chồng người có quan hệ tình dục với mình theo quy định của pháp luật. Theo quan điểm của đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, việc sử dụng người có quan hệ tình dục với mình có thể dẫn đến cách hiểu không chính xác.
Vũ Khuyên - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.