Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Thảo luận tại hội trường, góp ý vào điều 6, trong Dự thảo quy định căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, cụ thể tại điểm C khoản 1 có bổ sung tiêu chí sự gương mẫu của bản thân và vợ chồng con cái trong việc chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước, có ý kiến đề nghị cần cân nhắc rà soát làm rõ hơn nhóm đối tượng có liên quan đến gia đình, gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Đối với quy định các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến băn khoăn với quy định thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND trong trường hợp có kiến nghị của Uỷ ban MTTQVN cung cấp, tuy nhiên, Ủy ban Trung ương MTTQVN lại không được quy định thẩm quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, ban soạn thảo cần xem xét sửa đổi khái niệm lấy phiếu tín nhiệm, bởi trong Nghị quyết có bổ sung thêm mục đích của lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở xem xét đánh giá cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch thực hiện quy trình cho từ chức hoặc bỏ phiếu tín nhiệm miễn nhiệm, bố trí công tác khác thấp hơn. Với việc sửa đổi như vậy sẽ không làm rõ sự khác nhau cơ bản giữa 2 hình thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Ngoài ra, về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét việc sử dụng cụm từ “nếu có” trong quy định này nhằm đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu theo quy định về ngôn ngữ, quy phạm trong văn bản pháp luật./.
Thực hiện: Thu Hương - Quốc Hùng