Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến cho rằng, việc xây dựng Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị, ban soạn thảo cần rà soát các điều khoản quy định về nguồn đất phục vụ công nghiệp quốc phòng để tránh chồng chéo với các luật khác, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được cho ý kiến tại kỳ họp này.
Đối với các điều khoản quy định về nguồn vốn chi cho công nghiệp quốc phòng, Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các quy định này cần được làm rõ hơn nữa để thống nhất với Luật Quản lý sử dụng vốn, Luật Đầu tư công.
Về chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp, Có ý kiến cho rằng, cách thức, phương pháp động viên công nghiệp quy định trong dự thảo Luật về cơ bản chưa có sự đổi mới để phù hợp với thực tiễn, do đó cần có sự đột phá trong giao nhiệm vụ cho từng địa phương, quân khu trong xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp; nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia động viên công nghiệp; bổ sung quy định trách nhiệm, cách thức xử lý khi doanh nghiệp được giao nhiệm vụ, đặt dây chuyền động viên công nghiệp phá sản hoặc giải thể để không ảnh hưởng đến tài sản nhà nước và nhiệm vụ động viên công nghiệp./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng