Video Tin trong nước

Quốc hội thảo luận về các báo cáo phòng chống tội phạm, thi hành án và giải quyết kiến nghị của cử tri

Ngày 26/11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại Hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
21:29 - 26/11/2024

Quốc hội thảo luận về các báo cáo phòng chống tội phạm, thi hành án và giải quyết kiến nghị của cử tri

Trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, thông qua việc xem xét báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật đã được các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH ghi nhận để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Qua đó đã củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước; thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử đối với cử tri và Nhân dân.

Theo Báo cáo, trong năm 2024, tình hình công dân đến nơi tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH giảm nhưng số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tăng 1.033 đơn so với năm 2023.

Thảo luận về Báo cáo này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, (đoàn Bình Dương) nêu rõ: việc kiến nghị của công dân về thanh quyết toán covid – 19  vẫn chưa được giải quyết, gây nhiều khó khăn, áp lực cho các tổ chức, cá nhân.

Cho rằng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của Quốc hội và đại biểu quốc hội là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện trách nhiệm với nhân dân, với cử tri cần sự phối hợp từ Trung ương đến địa phương, do đó, để tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân, nhiều đại biểu đề nghị cần ứng dụng công nghệ số.

Cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đại biểu cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật, tranh chấp dân sự và hành chính sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt khi các loại tội phạm mới có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, người dân ngày càng lựa chọn giải quyết tranh chấp qua con đường tư pháp, khối lượng công việc của tòa án gia tăng đáng kể. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, một số đại biểu đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng này. 

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 cho thấy, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ phạm tội tăng gần 13%. Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Lo ngại về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật của người chưa thành niên tăng 7% về số vụ so với cùng kỳ năm trước, có ý kiến cho rằng cần có chế tài mạnh mẽ để kiểm soát đối tượng này.

Cuối giờ chiều nay, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)./.

Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng