Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Về vấn đề giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng, hiện dự thảo luật quy định: Tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ trừ cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc quy định đưa tất cả các loại hình doanh nghiệp phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.
Nhấn mạnh thực trạng hiện nay quyền và lợi ích của người tiêu dùng không chỉ bị xâm hại bởi các tổ chức, cá nhân mà còn từ chính những người tiêu dùng khác. Một số ý kiến cho rằng, vấn đề này cần được quy định rõ hơn trong Luật để quyền và lợi ích của người tiêu dùng thực sự được bảo vệ theo quy định của pháp Luật.
Góp ý vào Điều 5 về nghĩa vụ người tiêu dùng, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần thống nhất cách hiểu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là gì, giải thích thêm quy định này để người tiêu dùng hiểu rõ nghĩa vụ cần tuân thủ. Về Điều 30 bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện, nhiều ý kiến đề nghị cần xác định cụ thể điểm bắt đầu vận chuyển hàng hóa từ đâu đến nơi bảo hành, không nên quy định chung chung.
Đối với việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại Tòa án, có ý kiến cho rằng, Điều 70 dự thảo quy định: một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng, tức là từ 101 triệu đồng trở lên thì sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án là không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của luật. Bởi trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng