Thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, khi phát hiện những văn bản của cộng đồng dân cư có nội dung trái quy định pháp luật, trái thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ để tránh xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhà nước. Tuy nhiên trong dự thảo luật lại không đề cập đến việc bãi bỏ ngay cũng như không đề cập đến thời hạn mà các cấp có thẩm quyền xử lý loại văn bản này.
Về thiết chế Ban Thanh tra nhân dân, các đại biểu cho rằng, nếu chỉ quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở một số loại hình cơ sở (gồm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay) thì vô hình trung tạo ra sự phân biệt với người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập; khiến cho người lao động tại khu vực này thiếu cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình ở cơ sở trong khi đây mới là khu vực cần được hỗ trợ tích cực để người lao động có thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Do vậy, các đại biểu tán thành thành lập Ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, kể cả các tổ chức có sử dụng lao động ngoài công lập.
Tuy nhiên, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng tháp cho rằng, chỉ nên áp dụng Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước nếu thành lập Ban Thanh tra nhân dân sẽ có nhiều bất cập.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát theo hướng quy định rõ, cụ thể hơn, đồng thời loại bỏ những nội dung chung chung mang tính khẩu hiệu nhằm nâng cao trách nhiệm của hệ thống các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trong việc đảm bảo quyền dân chủ nói chung, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, người lao động.
Thu Hương – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.