Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Tán thành với việc cần xây dựng Luật tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến đại biểu băn khoăn về một số quy định trong dự thảo luật. Bàn về quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị cân nhắc rất kỹ về tính khả thi của các biện pháp “cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”, “hạn chế khung giờ đi lại” và “cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”, bởi trên thực tế, để thực hiện hiệu quả những biện pháp này vô cùng khó khăn.
Cho ý kiến về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để vừa thể chế hóa được yêu cầu về xử lý nhân văn hơn đối với người chưa thành niên phạm tội; mở rộng hơn các biện pháp xử lý chuyển hướng, có tính chất nhẹ hơn các hình phạt, các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.
Về việc tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội, các ý kiến cho rằng, việc tách vụ án nhằm thực hiện hiệu quả các thủ tục tố tụng thân thiện cũng như thực hiện các chính sách ưu việt, nhân văn cho người chưa thành niên.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng nếu quy định cứng, có tính bắt buộc như dự thảo sẽ rất dễ ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn, toàn diện vụ án. Do vậy, đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng mở, đối với những vụ án có người chưa thành niên và người đã thành niên phạm tội, ưu tiên tách vụ án để giải quyết độc lập nếu điều đó không gây khó khăn, cản trở trong quá trình giải quyết vụ án.
Cũng trong phiên họp sáng nay, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” và biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi)./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng