Cho ý kiến về việc xử lý các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đa số các đại biểu cho rằng, việc mở rộng các chế tài xử lý như Chính phủ trình là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên cần quy định rõ thời gian chậm đóng bao lâu thì được xem là trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng như quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng.
Nêu thực tế một số doanh nghiệp vẫn trích, trừ tiền đóng BHXH của người lao động hàng tháng nhưng lại không đem nộp, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm chiếm dụng đối với cả tiền đóng và tiền hưởng BHXH, bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi chiếm dụng loại hình bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, cần công bố danh sách các doanh nghiệp, công ty trốn đóng, chậm đóng để người lao động nắm được và cân nhắc khi xin vào làm việc.
Cho ý kiến về điểm m, khoản 1, của Điều 3 quy định chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đóng bảo hiểm bắt buộc, một số ý kiến cho rằng, về bản chất nhóm đối tượng này khác với người lao động làm công ăn lương vì vậy không nên chuyển thành nhóm đối tượng phải đóng bảo hiểm bắt buộc.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một số đối tượng như lao động không chọn thời gian, tài xế xe công nghệ. Nếu chiếu theo điều 13 của Bộ Luật Lao động, đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, nên cần bổ sung đây là đối tượng cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết 28./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng