Quốc hội xem xét chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội. Với tính chất quan trọng như vậy, Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau. Đây là việc làm cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát kỹ lưỡng, thận trọng đối với dự thảo luật này.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng, thời gian qua có tình trạng các tổ chức tín dụng cho vay tập trung quá lớn vào 1 số ít khách hàng, hoặc cho vay mua trái phiếu doanh nghiệp “sân sau”, do vậy, cần sửa đổi hạn mức tín dụng tối đa đối với 1 khách hàng và người có liên quan. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể là bao nhiêu thì cần cân nhắc kỹ và có lộ trình cụ thể.
Về vấn đề xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu quy định tại chương 7, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, Nghị quyết số 42 ban hành năm 2017 của Quốc hội Khóa 14 đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp cho việc xử lý nợ xấu được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ban Soạn thảo đã lựa chọn 9 quy định trong Nghị quyết 42 được triển khai hiệu quả để đưa vào dự thảo luật, cùng với đó là bổ sung một số quy định mới. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc luật hóa các quy định mới này cần phải tính toán kỹ.
Một số đại biểu cho rằng, thời gian qua có tình trạng các tổ chức tín dụng sử dụng hợp đồng cấp tín dụng không rõ ràng, không minh bạch, hợp đồng tín dụng có nhiều thuật ngữ chuyên ngành gây khó khăn cho người dân trong cách hiểu, từ đó phải chịu thiệt thòi khi tranh chấp xảy ra. Vì vậy, cần xem xét bổ sung cơ chế bảo vệ khách hàng cụ thể và rõ ràng, theo đó, ngoài các nội dung đã được quy định tại Điều 10, cần quy định 1 chương riêng để bảo vệ khách hàng trong quan hệ với các tổ chức tín dụng.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ hơn các giải pháp ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe doạ an toàn hệ thống. Bổ sung các quy định liên quan đến việc giải thể, phá sản của các tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh yếu kém; hay bổ sung quy định về giải pháp trong công tác quản lý, điều hành tiền tệ, nhất là việc nắm rõ thực trạng chất lượng tín dụng, tình hình phát sinh nợ xấu, quản lý nợ đọng…/.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng.