Ngay từ những tháng đầu năm 2024 các chỉ số kinh tế vĩ mô đã xuất hiện nhiều điểm sáng tích cực. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/1/2024 số vốn đăng ký đã lên tới 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn lại năm 2023, đây cũng là một điểm sáng nổi bật, thể hiện sức hấp dẫn, khả năng thích ứng, cũng như hiệu quả cạnh tranh về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, trong bối cảnh cuộc đua mời gọi đầu tư ngày càng quyết liệt trên toàn cầu.
Theo nhiều chuyên gia, bắt đầu từ tháng 6/2023, dấu hiệu phục hồi đã bắt đầu ở các lĩnh vực và ngành nghề. Năm 2023, đầu tư công được đẩy mạnh chưa từng có. Lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Đặc biệt, việc thông qua các luật quan trọng thời gian qua như Luật đất đai (sửa đổi), Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng, tạo động lực phát triển tốt hơn trong năm 2024 - một năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo nhận định của các chuyên gia, những rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu, lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao. Trong nước, những hậu quả của Covid-19 vẫn còn dai dẳng, việc điều chỉnh giá của một số dịch vụ công, chi phí đầu vào cho DN như tiền lương tối thiểu, một số khoản thuế giảm bớt mức độ ưu đãi... sẽ tiếp tục tạo ra những áp lực trong đạt mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm 2024.
Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030, các chuyên gia cho rằng, để tạo đà tăng trưởng Việt Nam cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu. Đồng thời, khai thác, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như: cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư. Đồng thời, cần quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng./.
Thực hiện: Tiến Dũng - Quốc Hùng